Vì sao 48% doanh nghiệp bỏ phần mềm sau hai năm sử dụng
>>> Cung cấp giải pháp cho chuyển đổi số doanh nghiệp
Đây là số liệu từ kết quả nghiên cứu của Ban Chuyển đổi số Quốc gia được TS. Đỗ Tiến Long – Chủ tịch Hội đồng chuyên gia công ty OD Click nhắc lại. Nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí này là do liên quan vận hành hệ thống và sự thích ứng của công nghệ với hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết: cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và lạm phát, lợi nhuận suy giảm. Trong khi đó, “sức khoẻ” nội tại của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thể hiện ở khâu quản trị doanh nghiệp chưa tốt, phương án kinh doanh thiếu khả thi, tư duy của một số lãnh đạo còn “một chiều”, chưa đặt khách hàng làm trung tâm…
Những khó khăn của nền kinh tế và yêu cầu mới của hội nhập đã buộc các doanh nghiệp tối ưu sản xuất kinh doanh để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Để làm được điều này, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Trong những năm gần đây chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng nhận thấy cần thiết phải chuyển đổi, số hoá để vận hành tối ưu và nâng cao năng suất, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông An Ngọc Thao – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam thông tin: thống kê cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp Việt Nam mong muốn sử dụng ngay nền tảng công nghệ vận hành doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội cho rằng, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều bởi khi có nhiều điển hình doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ hình thành mô hình chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực. Đây là động lực mới để phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, đầu tư kinh phí cho chuyển đổi số nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Đề cập đến con số 48% doanh nghiệp Việt Nam phải vứt bỏ phần mềm sau 2 năm, ông Đỗ Tiến Long cho biết, phần mềm thiếu sự thích ứng với doanh nghiệp sẽ không phát huy được tác dụng.
Thậm chí có doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra kinh phí lớn để đưa công nghệ hiện đại nhất từ nước ngoài để vận hành hệ thống nhưng không may gặp trục trặc, hệ thống lại “đắp chiếu”. Hay có trường hợp, doanh nghiệp sử dụng phần mềm sau một thời gian không tương thích do phát triển ở quy mô lớn hơn, phần mềm như “chiếc áo quá chật” không tiếp nhận và liên thông dữ liệu…
Tất cả những trường hợp trên đều khiến doanh nghiệp nản chí và cho rằng việc chuyển đổi số thất bại. Ông Đỗ Tiến Long phân tích: công nghệ không phù hợp với vận hành hệ thống của doanh nghiệp sẽ khiến cho chi phí vận hành của doanh nghiệp cao hơn lại không hiệu quả. Do đó, việc ứng dụng công nghệ vào vận hành hoạt động của doanh nghiệp là không hề dễ dàng.
Chuyển đổi số của doanh nghiệp phụ thuộc vào sự tương thích của công nghệ nhiều hơn là kinh phí. Thực tế đã cho thấy, có doanh nghiệp sử dụng công nghệ của nước ngoài bị thất bại nhưng chuyển sang phần mềm do doanh nghiệp trong nước cung cấp lại thành công mà chi phí bỏ ra thấp hơn.
Theo ông Đỗ Tiến Long, công nghệ không theo kịp con người thì cũng bỏ, còn nếu con người không theo kịp công nghệ thì chi phí cao. Do vậy, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp nên lựa chọn những công nghệ tương thích với trình độ nhân sự, quy mô doanh nghiệp. Bản chất của chuyển đổi số thực ra sự chuyển đổi về văn hoá doanh nghiệp, tái cơ cấu từ nhân viên đến hệ thống doanh nghiệp để thích ứng về công nghệ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn