Phần mềm trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trên địa
Công văn do bà Đào Thị Hường – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang ký cho biết: Thực hiện Công văn số 1081/UBND-KGVX ngày 13.3.2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra theo phản ánh của dư luận xã hội, giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Bắc Giang tiến hành rà roát, đánh giá, kiểm tra tính hiệu quả của việc sử dụng phần mềm trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong các trường học trên địa bàn thành phố.
Kết quả rà soát: 16/16 trường mầm non, 15/16 trường tiểu học, 14/17 trường trung học cơ sở (100% các trường MN, TH, THCS công lập) trên địa bàn thành phố đã triển khai và sử dụng dịch vụ ứng dụng kết nối thông tin trong phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh.

Đây là một trong những cấu phần của hệ thống phần mềm tổng thể chuyển đổi số ngành giáo dục thành phố và được xây dựng bởi Công ty Cổ phần Đào tạo Quản lý trực tuyến OMT với mức thu 20.000 đồng/học sinh/tháng.
Công văn cho biết, mức thu này được Phòng GDĐT thành phố Bắc Giang phê duyệt trên cơ sở căn cứ Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 của HĐND tỉnh Bắc Giang.
Theo báo cáo cử Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong các trường trên địa bàn thành phố nói riêng là một trong những giải pháp trong quá trình chuyển đổi số ngành Giáo dục.
Hệ thống cung cấp gồm các tính năng cơ bản phù hợp với mục tiêu triển khai và nhu cầu của nhà trường, phụ huynh học sinh như thông tin 2 chiều giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, điểm danh, xin phép nghỉ học, thời khóa biểu, nộp học phí và các khoản thu, sổ điểm, sổ liên lạc, thăm dò ý kiến…; tại thời điểm kiểm tra, các tính năng hoạt động bình thường, thông tin sẽ đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh học sinh khi nhà trường, đặc biệt là giáo viên được giao nhiệm vụ cập nhật đầy đủ thông tin.
Ứng dụng được triển khai mang tính cá nhân hóa cao và bảo đảm sự an toàn, riêng tư của học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng các tiện ích từ ứng dụng tới phụ huynh học sinh của các trường học chưa tốt; nhiều phụ huynh chưa truy cập, sử dụng thông tin của học sinh khi nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có thông báo.
Các trường học cùng với nhà cung cấp dịch vụ phần mềm chưa phát hiện và xử lý kịp thời các lỗi kỹ thuật trong quá trình khai thác, sử dụng.
Việc khai thác, sử dụng các tính năng của ứng dụng tại một số nhà trường chưa đầy đủ và hiệu quả (việc cập nhật thông tin vào các tính năng chưa kịp thời, đầy đủ như: tính năng theo dõi sức khỏe và sự phát triển của con, giao nhiệm vụ cho học sinh, thông tin mang tính tương tác cá nhân hóa đối với học sinh…).
Các thông tin mang tính cá nhân của học sinh cung cấp còn ít, phải nhập thủ công, không có sự liên thông do hiện nay Sở GDDT chưa cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào quyền truy cập sử dụng dữ liệu liên quan đến học sinh trong cơ sở dữ liệu ngành nhằm đảm bảo tính an toàn cho cơ sở dữ liệu. Trong thời gian tới, Sở GDDT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp đảm bảo an toàn cho cơ sở dữ liệu ngành khi khai thác liên thông thông tin với ứng dụng chuyển đổi số triển khai trong toàn ngành (nếu có).
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang, năm học 2022 – 2023, có khoảng 16.000 học sinh các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TP Bắc Giang tham gia sử dụng ứng dụng chuyển đổi số trên. Nhiều bậc phụ huynh và dư luận yêu cầu làm rõ việc sử dụng minh bạch số tiền thu chi mức 20 nghìn đồng/ tháng/ học sinh sử dụng dịch ứng dụng.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và cập nhật thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân