Cuộc chiến giữa AI và chuyên gia tâm lý: Ai sẽ giành chiến thắng?

Liệu AI có thay thế được nhà tâm lý thật sự?

Câu trả lời là có, nhưng chỉ trong một số trường hợp chứ không phải tất cả.

Theo nhà tâm lý lâm sàng Neil Hunter, trò chuyện với AI có thể giúp giải tỏa cảm giác buồn và cô đơn ở mức độ nhẹ. Một số chatbot được tập huấn kỹ lưỡng còn có thể gợi ý cho người dùng các hoạt động xã hội, hoặc bí quyết giao tiếp với người khác. Tuy nhiên ở hiện tại, AI không thể thay thế hoàn toàn nhà tâm lý thật sự vì những nguyên nhân sau:

AI chẩn đoán tốt, song đây không phải mục tiêu chính của nhà tâm lý

AI được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và xác định nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả rối loạn về tâm lý/tâm thần học. Với những đặc điểm như không có định kiến, khả năng đo lường chính xác các chỉ số sinh học hay trò chuyện như người thật, AI có tiềm năng chẩn đoán vượt lên các chuyên gia tâm lý.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, chuyên gia tâm lý khác với bác sĩ tâm thần. Và việc chẩn đoán nhìn chung không phải mục tiêu chính trong tham vấn trị liệu tâm lý. Một số liệu pháp còn coi việc này tương tự như xếp loại con người – điều cần tránh khi tiếp cận thân chủ.

Trong ngành tâm lý, mỗi thân chủ là một cá thể riêng biệt, mang những vấn đề riêng về bối cảnh sống, không ai giống ai. Do đó bất kỳ việc phân loại nào cũng bị coi là bóp méo cá nhân để vừa vào một “cái hộp” định sẵn.

Xem thêm   Elon Musk: “Chuyện mèo nhà của AI” và mưu đồ bắt kịp đối thủ

AI không thể mô phỏng tương tác giữa người với người

Như phân tích ở trên, nhà tâm lý AI có thể giao tiếp với ngôn ngữ rất giống con người khiến đôi khi chúng ta khó lòng phân biệt. Nhưng suy cho cùng, thì AI cũng là do con người tạo ra.

Và cho tới hiện tại, những gì con người hiểu về cách tâm lý, cảm xúc hay suy nghĩ của chính mình vận hành vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ta không thể kỳ vọng một chatbot bù trừ được những khuyết điểm ấy.

Bên cạnh đó, con người không chỉ giao tiếp bằng lời nói, mà còn qua những cử chỉ không lời, hơi thở, ánh mắt và sự thay đổi tông giọng. AI chưa thể mô phỏng những yếu tố này chính xác 100%, mà chỉ có thể hỗ trợ người dùng về nhận thức lý trí.

Các phản hồi của AI hiện vẫn phổ biến dưới dạng văn bản, hình ảnh và đôi khi là giọng nói. Vì vậy, nó chỉ tác động được tới người dùng qua hình thức đọc hiểu. Còn cảm xúc, hành vi hay môi trường – yếu tố cần thiết giúp nhà tâm lý tạo quan hệ với thân chủ trong quá trình tham vấn – là điều mà ngôn ngữ đơn thuần không thể đáp ứng được.

Không chỉ vậy, một số kỹ thuật trị liệu đòi hỏi tương tác trực tiếp để đạt hiệu quả cao. Thậm chí việc tham vấn trực tuyến vẫn còn gây tranh cãi, và cần được nghiên cứu sâu hơn để kết luận mức độ hiệu quả so với tham vấn trực tiếp truyền thống.

Xem thêm   Tổng thống Mỹ mong chờ gặp ai tại hội nghị G7?

Dù vậy, để trấn an người dùng, một ứng dụng đã khẳng định AI của họ có thể tạo sự liên kết ở mức độ “con người”. Song bất chấp những bằng chứng nhà sản xuất đưa ra, vẫn còn quá ít nghiên cứu khẳng định chúng thực sự hiệu quả trên phần đông dân số.

AI cũng mang lại những rủi ro

Theo nhà khoa học đạo đức Margaret Mitchell, việc sử dụng nhà trị liệu AI có thể mang lại những rắc rối về bảo mật thông tin. Chẳng hạn đa phần các công ty AI sẽ sử dụng dữ liệu trò chuyện với người dùng để đào tạo chatbot của mình. Một khi những câu chuyện riêng tư, mang tính “người” nhất bị tách khỏi cá nhân, rút gọn thành dữ liệu để phân tích và phát triển công cụ công nghệ, con người sẽ lại bị phân mảnh hơn nữa.

Bên cạnh đó, người dùng có thể nghiện AI tới mức bỏ qua tương tác với thế giới thật, giống như mặt trái của mạng xã hội khiến người ta “chúi mũi” vào điện thoại. Lâu dần, vấn đề tâm lý của họ sẽ ngày càng trầm trọng, vì nguyên nhân gốc rễ của nó không được giải quyết.

05may2023aitherapyintext2jpg
Để giải quyết tận gốc vấn đề, bạn vẫn nên tới gặp chuyên gia tâm lý.

Ngay chính khả năng hồi đáp tức thì của AI cũng có thể là con dao hai lưỡi. Để dễ hình dung, nó giống như liều thuốc an thần giúp xoa dịu tâm lý bạn ngay mà không phải chờ đợi. Nhưng khi “nhờn” thuốc, bạn sẽ phải uống nó liên tục mới có thể trấn an bản thân.

Xem thêm   'Không để Việt Nam thành nơi thử nghiệm sản phẩm công nghệ rủi ro cao'

Tương tự, khi lạm dụng AI, bạn có thể bị phụ thuộc vào “nhà trị liệu” thay vì hình thành khả năng tự quản trị cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Điều này đi ngược với mục tiêu cuối cùng của trị liệu tâm lý, là giúp thân chủ đạt tới sự trưởng thành và độc lập nhất định trong cảm xúc và suy nghĩ.

Một nguyên nhân khiến người dùng không mấy chú ý đến những rủi ro này là thiên kiến hiện tại (present bias). Theo đó, con người thường bỏ qua những lợi ích lâu dài để đạt những phần thưởng ngắn hạn, tức thời. “Cạm bẫy” này khiến người dùng khó để ý đến những hạn chế trên, bởi chúng chỉ bộc lộ sau một thời gian dài sử dụng nhà tâm lý AI.

Nguồn: Vietcetera

Files 32